- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính doanh nghiệp
- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính doanh nghiệp
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Dữ liệu phục vụ sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghiệp công nghệ số thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật về cơ yếu và pháp luật có liên quan.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Với các chính sách tài chính ưu đãi, bảo hộ và thúc đẩy xuất khẩu của Nhà nước, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã phát triển từ giai đoạn lắp ráp sang sản xuất và trở thành một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của các nước phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ…). Trong giai đoạn đầu, Chính phủ Hàn Quốc có các chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa, nhưng sau năm 1980 lại ưu tiên sử dụng các chính sách nhằm ổn định và tự do hóa nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng dầu mỏ năm 1979), cũng như giảm dần các chính sách ưu đãi tài chính.
1. Chính sách tài chính phát nhằm triển công nghiệp ô tô
Chính phủ Hàn Quốc đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi nhằm thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu ô tô. Các khoản tín dụng trong giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ô tô xuất khẩu với lãi suất ưu đãi. Trong những năm 1970, các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng tăng từ dưới 40% tổng tín dụng trong năm 1975 lên hơn 55% vào năm 1976 và 1977, đạt 70% vào năm 1978. Tuy nhiên, từ năm 1980, các ưu đãi tín dụng đã giảm xuống khi Chính phủ thực hiện tự do hóa lãi suất, can thiệp vào quản lý của các ngân hàng và tư nhân hóa dần các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi xuất khẩu của các ngân hàng xuất - nhập khẩu và ngân hàng thương mại đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm được chi phí lãi suất rất lớn. Trong năm 1998 - 1999, lãi suất cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực xuất khẩu là 3%, thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường 8,5 - 20%. Nhà nước cũng có các hình thức hỗ trợ ưu đãi tín dụng khác như việc tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc Huyndai được huy động nguồn vay của các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế (Ngân hàng Suez - Pháp, Barclays - Anh và Mitsubishi - Nhật Bản) và được Nhà nước bảo lãnh. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc yêu cầu các ngân hàng quốc doanh cung cấp các khoản vay chính sách với lãi suất ưu đãi dựa trên Quỹ Đầu tư quốc gia cho các hãng sản xuất ô tô.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc (KCGF) được thành lập với mục tiêu bảo lãnh tín dụng các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh nhưng thiếu tài sản thế chấp. Đối với các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc, KCGF đã đứng ra bảo lãnh lần lượt khoảng 4,2 nghìn tỷ KRW và 4,6 nghìn tỷ KRW trong năm 2006 và 2007. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xuất khẩu được Chính phủ Hàn Quốc ban hành năm 1969 giúp bảo vệ các nhà xuất khẩu khỏi tổn thất trong các hoạt động xuất khẩu. Sau đó, Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu (EIF) được thành lập để hỗ trợ việc triển khai Luật Bảo hiểm xuất khẩu. Quỹ EIF đã huy động được số vốn lên đến 1,5 nghìn tỷ KRW trong năm 2008. Trong giai đoạn 1968 - 1972, giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có bảo hiểm là 1% và duy trì ổn định khoảng 3% trong những năm 1980.
Trong những năm gần đây, các nguồn tín dụng ưu đãi lớn của Chính phủ dành cho ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc bị cắt giảm nhiều vì nền công nghiệp ô tô đang trong xu hướng phát triển, giúp Hàn Quốc trở thành một trong những nước có nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2020, do bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp ô tô có xếp hạng tín nhiệm thấp với tổng quy mô chương trình tín dụng cho vay là 300 tỷ KRW. Ngoài ra, Chính phủ còn thúc đẩy các ngân hàng áp dụng một số ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành ô tô như cho vay mới 1,9 nghìn tỷ KRW và giãn thời gian trả các khoản vay khoảng 3 nghìn tỷ KRW1.
Trong giai đoạn đầu hình thành, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc phải đối diện với những khó khăn như yếu kém về công nghệ, hạn chế về nhân lực, thiếu vốn, thiếu thị trường tiêu thụ và các ngành công nghiệp liên kết chưa phát triển. Trong đó, vấn đề về công nghệ là khó khăn lớn nhất. Chính phủ Hàn Quốc nhận định phát triển các mẫu xe Hàn Quốc chính gốc là chìa khóa để vượt qua tình trạng trì trệ của ngành công nghiệp ô tô, trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, thị trường xe trong nước của Hàn Quốc còn nhỏ. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch dài hạn để sản xuất một mẫu xe riêng của Hàn Quốc với kích thước động cơ nhỏ hơn 1,5 lít như xe bình dân và sản xuất với một chu kỳ dài hơn nhiều so với việc phát triển các mẫu xe trước đó. Kế hoạch cũng định hướng cắt giảm nhu cầu xe có động cơ lớn trên thị trường bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa xa xỉ, trong khi tăng tỷ lệ nội địa hóa xe bình dân lên 95% đến năm 1975. Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến phát triển ngành công nghiệp bộ phận và linh kiện bằng cách xây dựng một đặc khu công nghiệp cho các nhà cung cấp; đồng thời, Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng đã miễn cho các hãng xe hơi không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu tiên vận hành. Việc thực hiện kế hoạch này mang lại kết quả tích cực khi hơn 80% tổng nhu cầu xe khách trong nước được các mẫu xe bản địa đáp ứng.
Bên cạnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước, chính sách ưu đãi thuế cho các nhà máy ô tô mới đưa vào sản xuất, Hàn Quốc áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế khác đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ô tô. Để được ưu đãi thuế, các công ty xuất khẩu phải khấu trừ thuế theo Luật Miễn và Giảm thuế năm 1961. Ngoài ra, năm 1964, Chính phủ đã giảm 50% thuế thu nhập cho các công ty xuất khẩu và hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu lãi suất thấp thông qua các chương trình tài chính. Ngoài ra, Chính phủ giảm 80% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển, có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ năm 2005, khu vực FDI được miễn thuế thu nhập trong 10 năm đầu tiên thành lập và 50% các loại thuế liên quan đến hàng hóa dịch vụ đầu vào cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển được khấu trừ thuế. Mặt khác, các ưu đãi thuế được áp dụng để giảm chi phí sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Theo Luật Đặc biệt về giảm thuế ban hành năm 1997 ở Hàn Quốc, các nguyên liệu thô nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu trong 2 năm kể từ khi nhập khẩu được miễn thuế. Giá trị các mặt hàng nhập khẩu được sử dụng để sản xuất phục vụ xuất khẩu trên kim ngạch xuất khẩu được giảm thuế đã tăng từ 2,6% trong năm 1990 lên 27% trong giai đoạn 1990 - 2009.
Hiện nay, do chính sách bảo vệ môi trường, giảm thải khí carbon gây ô nhiễm môi trường nên Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực liên quan đến ô tô như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn giảm thuế trước bạ và thuế mua ô tô. Đối với xe ô tô chở khách thông thường, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế trước bạ và thuế mua xe. Tuy nhiên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô ở Hàn Quốc khá thấp khi đối với xe có động cơ dưới 800 cc thì miễn thuế, đối với xe có động cơ từ 801 - 2.000 cc thì áp thuế tiêu thụ đặc biệt 5%, đối với xe có động cơ từ 2001 cc trở lên thì áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Đối với thuế VAT cho xe ô tô chở khách thông thường thì Chính phủ Hàn Quốc áp dụng thuế suất 10%. Thuế trước bạ và thuế mua xe ô tô cũng chỉ áp dụng mức 5% và 2%. Nhìn chung, chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô của Chính phủ Hàn Quốc tương đối thấp so với các quốc gia khác như Philippiné, Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Chính phủ giảm dần các chính sách tài chính bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước và có các gói chính sách tài chính hỗ trợ trong giai đoạn khủng hoảng
Các mẫu xe của Tập đoàn Huyndai đã chiếm lĩnh thị trường của các hãng liên doanh nước ngoài tại Hàn Quốc bằng các mẫu xe bản địa trong những năm 1980. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 gây nên tình trạng lạm phát và đình đốn trầm trọng đã đẩy toàn bộ ngành ô tô rơi vào tình trạng sụt giảm doanh số trong nước, xuất khẩu trì trệ, chi phí lãi suất vay ngân hàng gia tăng. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc chỉ đang đối diện với các khó khăn tạm thời và có thể vượt qua bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khi chi phí lao động gia tăng ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, bước sang năm 1980, nguồn lực hỗ trợ tài chính khổng lồ từ Nhà nước tài trợ cho các tập đoàn sản xuất xe đã được chuyển sang sử dụng cho quá trình ổn định hóa và tự do hóa nền kinh tế. Các biện pháp của chính phủ Hàn Quốc nhằm ổn định ngành sản xuất ô tô trong giai đoạn khủng hoảng 1979 đã mang lại các kết quả tích cực. Sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao năm 1979 kết thúc, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc bước vào một giai đoạn tăng trưởng năng động hơn từ giữa những năm 1980, với doanh số sản xuất ô tô tăng trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu, cũng như Hàn Quốc đã có các thương hiệu ô tô bản địa riêng, công nghệ độc lập thông qua các chương trình nghiên cứu phát triển mạnh mẽ và chuyển nhượng công nghệ.
Năm 2014, các nhà cung ứng linh kiện sản xuất ô tô nhỏ và vừa bắt đầu gặp khó khăn về tài chính sau khi nhu cầu thị trường tăng trưởng chậm lại. Từ năm 2017, nhiều nhà cung cấp linh kiện thứ cấp cho Hyundai và Kia đã lần lượt tuyên bố công ty trong tình trạng không đủ tiền trả nợ. Sang năm 2018, khủng hoảng lan sang các công ty cung ứng linh kiện ô tô lớn hơn. Khi các nhà cung ứng linh kiện sụp đổ, các nhà sản xuất ô tô cũng phải gánh chịu thiệt hại và số lao động, nhân sự trong ngành sản xuất ô tô bị mất việc gia tăng. Để giải cứu ngành ô tô khỏi khủng hoảng, tháng 12/2018, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch đưa ra gói cứu trợ 3,5 tỷ KRW để giúp các nhà cung ứng linh kiện ô tô vượt khó khăn, giải quyết các khoản nợ. Đến thời điểm đầu năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Nhiều nhà máy và đại lý ô tô ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á đóng cửa đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc như Hyundai và Kia. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành giảm thuế trước bạ ô tô 30%, chỉ áp dụng mức thuế 3,5% đến hết năm 2020.
2. Một số bài học rút ra cho Việt Nam
(i) Việt Nam cũng giống như Hàn quốc giai đoạn 1960 - 1970 có thị trường ô tô với doanh số bán ô tô dưới 300 nghìn xe/năm. Điều này rất khó để một hãng sản xuất ô tô trong nước có thể tận dụng lợi thế về quy mô thị trường để sản xuất mẫu xe nội địa đặc trưng riêng với chi phí hợp lý và chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện từ các hãng xe nước ngoài để lắp ráp bán ra thị trường thay vì đầu tư nghiên cứu phát triển riêng mẫu xe nội địa thì sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn và ít rủi ro. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc ban hành các chính sách về thuế, ưu đãi tín dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước xuất khẩu để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn và nâng cao quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chấm dứt chính sách tài chính ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô hoạt động kém hiệu quả và mở rộng các chính sách tài chính ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp phải đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh để nhận được các ưu đãi của Chính phủ. Trong giai đoạn đầu, các hãng xe trong nước có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các nhà sản xuất ở các nước phát triển, tuy nhiên các nước đang phát triển như Việt Nam có lợi thế hơn vì chi phí nhân công rẻ và các chi phí sản xuất khác ít tốn kém hơn. Ngoài ra, việc tăng cường xuất khẩu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh đổi mới sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế, nhà sản xuất đi tiên phong trong nền công nghiệp ô tô của Việt Nam là Vingroup cũng đang thử nghiệm sản xuất và bán các mẫu xe Vinfast sang các nước phát triển trên thế giới được xem là khá phù hợp trong bối cảnh quy mô thị trường ô tô trong nước của Việt Nam còn nhỏ.
(ii) Chính phủ Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm của Hàn Quốc về các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cung ứng linh kiện sản xuất ô tô ngay gần các nhà máy sản xuất ô tô nhằm giúp các hãng ô tô trong nước giảm chi phí sản xuất. Chính phủ cần đặt mục tiêu các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước sẽ gia tăng tỷ trọng sử dụng các linh kiện sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu, dần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất ô tô. Chính phủ cần đề xuất các hãng xe trong nước tạo mối quan hệ hợp tác độc quyền với nhà cung ứng linh kiện nội địa thông qua các hợp đồng dài hạn và cho họ tham gia vào các khâu phát triển sản phẩm bằng cách chia sẻ thông tin, hợp tác trung thực dựa trên sự tin tưởng, giúp giảm thời gian và chi phí sản xuất.
(iii) Trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô, người dân trong nước và nước ngoài sẽ hạn chế nhu cầu về xe ô tô, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp về chính sách tài chính và các chính sách khác như: (1) Khuyến khích việc sáp nhập các hãng sản xuất ô tô phá sản, yếu kém; (2) Giảm thuế tiêu thụ ô tô để tăng cầu về tiêu dùng; (3) Đưa ra các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhất là các doanh nghiệp cung ứng linh kiện ô tô để các doanh nghiệp này vượt qua những khó khăn tạm thời. Yếu tố công nghệ hết sức quan trọng đối với ngành sản xuất ô tô, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp nội địa tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ thì việc khuyến khích, thúc đẩy liên doanh, liên kết một hãng xe nội địa như Vinfast với một doanh nghiệp sản xuất xe hơi ở các quốc gia phát triển sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước tiếp thu công nghệ từ các nước phát triển.
1. Kim Byung KooK và Ezra F. Vogel (2017), Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật.
2. Siem Pichnorak và Sok Vouchneng (2013), The Roles of Export-led Policies in Developing Automobile Industry in South Korea, Royal University of Law and Economics.
Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 6 kỳ 2 tháng 3/2021
*1 https://koreajoongangdaily.joins.com/2020/06/15/business/economy/automobile-industry-autosuppliers-ssangyongMotor/20200615172000309.html.